18/10/2017

Xử lý nước thải yếu kém gây nguy cơ ung thư cao tại Việt Nam

Ngày nước Thế giới 22/3 năm nay lấy “Nước thải” làm chủ đề nhằm kêu gọi cộng đồng sử dụng tiết kiệm nước và tái chế nước thải. Điều đó cho thấy việc xử lý nước thải có tầm quan trọng với môi trường như thế nào, ảnh hưởng đến sức khỏe con người ra sao…

Xử lý nước thải quá yếu

Các chuyên gia về môi trường khẳng định việc tái sử dụng nước thải sẽ góp phần đa dạng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng cho ngành cấp nước, vừa tận dụng nguồn tài nguyên nước ngọt.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn nước thải gia tăng một cách nhanh chóng đó là do chúng ta quá thiếu các nhà máy xử lý nước thải. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện chúng ta có khoảng 40 nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đô thị với công suất đạt 890.000m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước đô thị được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, hơn nữa lại không đồng bộ, được sử dụng cho vừa thoát nước thải vừa thoát nước mưa. Vì vậy, nước thải hầu như chưa được xử lý đều được xả thẳng ao, hồ và chảy ra sông, biển.

Ông Đỗ Trần Hải - Viện Nghiên cứu bảo hộ lao động cho biết: Chính tốc độ đô thị hóa quá nhanh là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó kiểm soát ô nhiễm nước thải. Phát triển đô thị chưa đồng bộ với kết cấu hạ tầng dẫn đến chất lượng cuộc sống tại các đô thị chưa tương xứng, vì thế, việc tái sử dụng nguồn nước thải phải được quan tâm”, ông Hải nói.

“Trong sạch hóa” nước thải

Công nghệ là yếu tố then chốt để xử lý nước thải hiệu quả.

Còn theo PGS.TS. Lê Trình - Viện Khoa học Môi trường và Phát triển cho biết, không chỉ nước thải sinh hoạt mà nước thải công nghiệp cũng chưa được đầu tư và xử lý thực sự hiệu quả. Thống kê cũng cho thấy, trên cả nước hiện nay có khoảng 283 KCN với hơn 550.000m3 nước thải mỗi ngày nhưng chỉ có khoảng 5% số KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 615 cụm công nghiệp với hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, hơn 450 làng nghề, hơn 13.000 cơ sở y tế mỗi ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000m3 nước thải y tế, hệ lụy kéo theo là môi trường quanh các KCN ở một số địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Cũng theo ông Trình, ở các tỉnh phía Nam, trong khi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đều đầu tư nhà máy xử lý nước thải không thua kém nước ngoài thì tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long hệ thống xử lý nước thải chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nhà máy, KCN có nhà máy xử lý nước thải nhưng hoạt động kém hiệu quả dẫn đến môi trường ngày càng bị ô nhiễm.

Không thể thiếu công nghệ

Có thể nói, hệ thống pháp lý và các cơ chế quản lý tài nguyên nước của Việt Nam luôn được Nhà nước quan tâm đối với công tác bảo vệ môi trường, bên cạnh yêu cầu phát triển kinh tế. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Nghị định này khuyến khích các hoạt động nhằm giảm thiểu và tái sử dụng nước thải. Theo quy định, nước thải phải được quản lý thông qua các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Để việc khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ phát triển nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước; thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước như Luật Tài nguyên nước đã quy định.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nguồn nước mặt ở Việt Nam phân bổ không đều, không chỉ về mặt không gian mà thay đổi theo thời gian cả năm. Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3 nước, gần 82% tổng lượng nước mặt trên toàn quốc được sử dụng cho tưới, 11% cho nuôi trồng thủy sản, 5% cho công nghiệp, 3% cho nông nghiệp và 3% cho đô thị. Do khai thác nước không hợp lý, không theo quy hoạch nên nguồn nước đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, trong đó, ô nhiễm chủ yếu các khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, hiện tượng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô khi lượng nước chảy vào các con sông giảm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong, trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

Ngoài ô nhiễm nguồn nước mặt thì nguồn nước dưới đất cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nước biển Việt Nam cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm do sự ô nhiễm từ các lưu vực sông và do các hoạt động phát triển kinh tế vùng cửa sông, ven biển...

Để quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả, cần chú trọng đầu tư không chỉ vào nguồn nhân lực mà còn phải đầu tư và ứng dụng những đổi mới về khoa học công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, hệ thống thông tin truyền thông..., có như thế mới đạt hiệu quả cao.
 

Vĩnh Thuận

Nguồn:  Báo Sức khỏe đời sống