20/05/2023

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115

Không chỉ tận tâm với sự nghiệp khám chữa bệnh, trong suốt 30 năm cần mẫn, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng còn sở hữu kho tàng bài báo, công trình khoa học, đề tài nghiên cứu đa dạng. Ngoài ra, bác sĩ còn là gương mặt quen thuộc với khán giả đài truyền hình TP.HCM, Vĩnh Long… qua những chương trình tư vấn về bệnh tiêu hóa - gan mật, mang kiến thức bổ ích cho sức khoẻ đến với mọi gia đình.

1. Hồ sơ chuyên gia

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM năm 1993 và hiện tại đang là trưởng khoa Nội Tiêu hoá của bệnh viện Nhân dân 115.

Song song với công việc khám chữa bệnh, bác sĩ Phượng còn hăng say với nghiên cứu và sở hữu nhiều công trình khoa học, bài báo có giá trị đóng góp cho ngành y, đặc biệt là các nghiên cứu về bệnh viêm gan C.

Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115

Hiện nay, ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Phượng còn tham gia quản lý hành chính, là cán bộ giảng dạy và thường xuyên tham gia các hội thảo chuyên ngành, hội nghị khoa học, tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân trên các đài truyền hình, báo chí…

Video: Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng tham gia tư vấn truyền hình trực tuyến - Bí quyết giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, vui đón Tết

Bận rộn với nhiều vai trò khác nhau nhưng bác sĩ Phượng luôn mang đến nguồn năng lượng trẻ trung, tươi mới khiến cho đồng nghiệp và các bệnh nhân luôn yêu mến.

Đặc biệt, với những đóng góp trong lĩnh vực y tế, bác sĩ Phượng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”...

2. Thông tin xác thực

2.1. Trình độ, bằng cấp

Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ - Bác sĩ

Bằng cấp:

  • Tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM (1993)
  • Tốt nghiệp Cao học Nội tổng quát Đại học Y dược TP.HCM (2001)
  • Tốt nghiệp Nghiên cứu sinh Nội Tiêu Hóa (2016)

Các chứng chỉ:

  • Chứng chỉ Siêu âm thực hành
  • Chứng chỉ Nội soi tiêu hóa
  • Chứng chỉ Ung thư cơ bản
  • Chứng chỉ TOCE - Điều trị ung thư gan bằng phương pháp hóa tắc mạch
  • Chứng chỉ RFA - Hủy u bằng sóng cao tần

2.2. Kinh nghiệm làm việc

Khoa nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (1993 - 1994)

  • Chức vụ: Bác sĩ

Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Quân Y, Trung tâm Đào tạo & Bồi dưỡng cán bộ y tế (1994 - 2002)

  • Chức vụ: Cán bộ giảng dạy

Bệnh viện Nhân dân 115 - TP.HCM (2002 - nay)

  • Chức vụ: Bác sĩ khoa nội tiêu hóa

2.3. Giải thưởng và chứng nhận

  • Bằng khen UBND TP.HCM (2007, 2011, 2013, 2015, 2016, 2017, 2019, 2022)
  • Chiến sĩ thi đua cơ sở (2006, 2007, 2010 đến 2022)
  • Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú (2020)
  • Chiến sĩ thi đua cấp thành phố (2012, 2015, 2019)
  • Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh (2015)
  • Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” (2013)

2.4. Báo chí, sách và các công trình nghiên cứu

Bài báo quốc tế:

  • Lancet Gastroenterol Hepatol 2018 - Sofosbuvir–velpatasvir for treatment of chronic hepatitis C virus infection in Asia: a single-arm, open-label, phase 3 trial (Sử dụng thuốc Sofosbuvir–velpatasvir trong điều trị nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính ở châu Á).

Bài viết đăng trên tạp chí:

  • Nhận xét một vài đặc điểm viêm gan mạn do vi rút viêm gan C tại Bệnh viện nhân dân 115-TP.HCM - Tạp chí Nội khoa, Hội Nội khoa Việt Nam số 01/2009.
  • Một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở bệnh nhân viêm gan vi rút C mạn tính điều trị tại khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện nhân dân 115-TP. HCM - Tạp chí Y dược lâm sàng 108 - Viện NCKH Y dược lâm sàng 108, số 2/2013.
  • Đánh giá đáp ứng vi rút ở bệnh nhân viêm gan vi rút C mạn tính được điều trị bằng Peg-Interferon Alpha 2a kết hợp Ribavirin tại Bệnh viện nhân dân 115 - TP. HCM - Tạp chí Y dược học QS- HVQY, số 9 - tháng 12/2013.

Một số đề tài nghiên cứu tiêu biểu:

  • Nghiên cứu pha IIb/III, ngẫu nhiên mù đôi, đối chứng giả dược nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của Cotadutide trên bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ không do rượu có xơ hóa, chưa xơ gan (2022).
  • Nghiên cứu 3-phần Pha 3 Đa trung tâm, Ngẫu nhiên, Mù đôi, Nhóm song song, Đối chứng giả dược để đánh giá Hiệu quả và An toàn của Benralizumab ở bệnh nhân viêm dạ dày và/hoặc viêm dạ dày ruột tăng bạch cầu ái toan (Nghiên cứu HUDSON GI) (2022).
  • So sánh chỉ số MELD và CHILD- PUGH trong tiên lượng bệnh nhân xơ gan (2020).
  • Nghiên cứu pha III, ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng giả dược, đa trung tâm phối hợp điều trị bằng nút hóa chất Động mạch (TACE) với Đơn trị liệu Durvalumab hoặc Durvalumab kết hợp Bevacizumab ở Bệnh nhân Ung thư biểu mô Tế bào gan được điều trị tại chỗ (EMERALD-1) (2020).
  • Nghiên cứu pha III nhãn mở, ngẫu nhiên, đa trung tâm về durvalumab và tremelimumab trong điều trị bước 1 ở bệnh nhân ung thư tế bào gan quá chỉ định phẫu thuật (HIMALAYA) (2018).
  • Giá trị thang điểm PANC-3 trong tiên lượng Viêm tụy cấp (2018).
  • Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và hình ảnh mô bệnh học của bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (2017).
  • Nghiên cứu nhãn mở, đa trung tâm, giai đoạn 3 nhằm nghiên cứu tính hiệu lực và an toàn của kết hợp liều cố định Sofosbuvir/GS-5816 trong 12 tuần ở đối tượng nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính (2016).